MỘT CÁI NHÌN TIẾN HÓA VỀ TRI THỨC KHOA HỌC
(Karl
Popper, “Tri thức khách quan”, 2013, NXB Tri thức)
Nguyễn Minh
Karl Popper (1902-1994) là một trong những nhà triết học xuất sắc nhất
của thế kỉ XX. Những đóng góp của ông cho triết học trải rộng trên rất nhiều
lĩnh vực: chủ thuyết duy thực, nhận thức luận, triết học chính trị, triết học
ngôn ngữ, … nhưng ông luôn được nhớ đến như triết gia làm nên cuộc cách mạng
trong triết học khoa học nửa đầu thế kỉ XX, mà ảnh hưởng của nó vẫn còn sâu
rộng đến tận ngày nay. Tư tưởng về triết học khoa học của ông tập trung trong
ba cuốn “Logic khám phá khoa học” (1934), “Phỏng định và bác bỏ” (1953), “Tri thức khách quan” (1972); trong đó “Tri thức khách quan” trình
bày một cách hoàn thiện và tổng quát nhất những thành tựu triết học Karl Popper
đạt được.
Tìm hiểu những chủ đề chính của cuốn sách cũng là cách chúng ta bước đầu
tiếp thu di sản triết học khoa học đồ sộ của Karl Popper.
1. Bài toán quy nạp và vấn đề phân ranh[1]
Khoa học, trong giai đoạn đầu, được
xây dựng trên cơ sở của thuyết quy nạp. Theo đó, khoa học bắt đầu từ việc tích
lũy các quan sát riêng lẻ, khi số lần quan sát các hiện tượng lặp đi lặp lại đủ
lớn, có thể rút ra một quy luật khách quan chung (ví dụ quan sát 1000 lần việc
thả quả táo xuống thì quả táo rơi, từ đó ta có thể rút ra một quy luật vật lí
nào đó); hay nói cách khác là từ kinh nghiệm nâng lên lí luận. Sau này thuyết
quy nạp được phát triển một bước cao hơn thành thuyết kinh nghiệm logic của
trường phái Vienna. Nhưng thuyết này có rất nhiều nhược điểm như:
-
Không có gì đảm bảo các quan sát trong tương lai có thể
lặp lại hoàn toàn giống với các quan sát trong quá khứ.
-
Các kinh nghiệm chỉ cho ta thấy thứ tự trước sau của
các hiện tượng, chứ không đủ để đưa ra một mối quan hệ nhân quả giữa các hiện
tượng.
Người đầu tiên công kích mạnh mẽ thuyết quy nạp, làm lung lay toàn bộ nền
tảng của khoa học; là David Hume. Nhưng ông giải quyết bài toán quy nạp bằng
cách biện minh cho quy nạp là một “tập
quán tâm lí” chứ không phải vấn đề logic hay nhận thức. Từ gợi ý của Hume,
Popper tiến tới một phủ định triệt để bài toán quy nạp truyền thống và tiến đến
việc xây dựng khái niệm “kiểm sai”. Quan
điểm của ông như sau:
(P1) Giả thuyết tồn tại trước quan sát. Khi đã phỏng đoán ra giả thuyết,
các nhà khoa học tiến hành quan sát để trắc nghiệm lại giả thuyết đó.
(P2) Một giả thuyết chỉ đứng vững khi người ta chưa tìm được các quan sát
đi ngược lại nó.
(P3) Khi tìm được các quan sát chứng tỏ giả thuyết là sai, thì giả thuyết
đó bị bác bỏ, từ đó một giả thuyết mới được sinh ra.
Nhờ vào phép kiểm sai, Popper đã phủ định mối liên hệ giữa phép quy nạp
và khoa học, chỉ ra tiêu chuẩn của khoa học là “kiểm sai”; vì giả thuyết khoa
học không thể kiểm đúng, nhưng có thể kiểm sai.
Từ quan điểm này, Popper đặt ra tiêu chuẩn phân ranh giữa khoa học và phi
khoa học hay trả lời câu hỏi: “Khoa học là gì?”. Ông cho rằng “Mọi lí thuyết [khoa học] đều là các giả
thuyết, tất cả đều có khả năng bị đổ”. Vì thế linh hồn của khoa học là sự
phê-phán–không–biện–minh; trái với tôn giáo hay siêu hình học - nơi các “chân
lí” được miễn nhiễm với các phê phán hay không thể được trắc nghiệm để kiểm
chứng tính đúng sai. Đó cũng chính động lực phát triển của khoa học.
2.
Sự tăng
trưởng của tri thức khoa học[2]
Với Popper, câu hỏi trung tâm của nhận thức luận không phải là “Nguồn gốc
của tri thức từ đâu?” mà là “Tri thức tăng trưởng như thế nào?”; và khảo sát
tri thức, không gì quan trọng bằng khảo sát tri thức khoa học.
Tiếp tục ý tưởng “kiểm sai”, Popper khái quát sự tăng trưởng của tri thức
khoa học (rộng hơn là sự tăng trưởng của tri thức) làm bốn bước:
1)
Khoa học bắt đầu từ các “nan đề” (problem). Nhà khoa
học phải suy nghĩ, tìm hiểu nan đề đó.
2)
Nhà khoa học phỏng định các giả thuyết có thể giải
quyết được nan đề đó.
3)
Các giả thuyết, lí luận khác nhau được đưa ra; tiếp thu
và cạnh tranh với nhau, trải qua sự kiểm nghiểm nghiêm ngặt của quan sát và
thực nghiệm, dần dần loại bỏ các sai lầm; từ đó lí thuyết mới ra đời, có độ cận
chân (gần với chân lí) cao.
4)
Lí thuyết mới đó tạm thời chưa bị chứng ngụy, được công
nhận một cách rộng rãi. Nhưng khoa học phát triển hơn, lí thuyết đó sẽ bị chứng
ngụy; sau đó một vấn đề, lí thuyết mới sẽ được đưa ra (quay lại bước 1).
Bốn bước trên sẽ được lặp đi lặp lại đến vô cùng, mà nhờ đó khoa học phát
triển không ngừng. Popper đã vẽ lại bằng mô hình sau:
P1 -> TT -> EE -> P2 ->…
Trong đó: P1 là nan đề; TT là giải quyết vấn đề bằng việc phỏng định, EE
loại bỏ sai lầm bằng kiểm chứng, P2 nan đề mới nảy sinh.
Mô hình này dễ làm ta liên tưởng đến thuyết tiến hóa của Darwin, trong
đó, sự cạnh tranh đa dạng, được kiểm nghiệm bằng thực tế, và rồi nảy sinh một
loài mới. Chính vì thế, sự tăng trưởng của tri thức như là sự tiến hóa của tri
thức.
3. Chân lí[3]
Từ cách tiếp cận thiên logic học, Popper đặt ra vấn đề rằng nhiệm vụ của
khoa học không phải là đạt được chân lí, mà là hướng tới các phỏng định cận
chân (gần với chân lí). Ông chỉ ra rằng, những mệnh đề kiểu “Hôm nay nếu không
nắng thì mưa” có tính chân thực xác suất là 1 (tuyệt đối đúng); nhưng “dung
lượng” nội dung của nó nghèo nàn, chẳng thể phát triển gì thêm được. Mặt khác,
“dung lượng” nội dung của một lí thuyết càng phong phú, thì độ cận chân của nó
càng cao; vì vậy, nội dung và xác suất tỉ lệ thuận với nhau. Mục đích của khoa
học là đưa ra các lí thuyết vừa phong phú về nội dung, vừa cận chân. Điều này
rất phù hợp với quan điểm về việc các lí thuyết khoa học phải liên tục bị đem
ra “kiểm sai” vì nó chỉ cận chân mà thôi.
Với hai lí thuyết A1 và A2, những tiêu chí sau dùng để đo “độ cận chân”
là:
-
A2 trải qua sự kiểm nghiệm chính xác hơn A1.
-
A2 giải thích được nhiều sự thật hơn A1.
-
A2 mô tả/giải thích sự thật tường tận hơn A1.
-
A2 trải qua được những kiểm nghiệm mà A1 không thể.
-
A2 chỉ ra những thực nghiệm mà A1 không nghĩ tới và A2
đã trải sự kiểm nghiệm của thực nghiệm đó.
-
A2 có liên hệ với vấn đề mà A1 cho rằng không có liên
hệ.
4. Ba thế giới – một cái nhìn tổng quan về tri
thức và chủ nghĩa duy thực triệt để[4]
Ngay từ giai đoạn đầu, Popper đã luôn phê phán một cách mạnh mẽ chủ nghĩa
duy tâm (và những thuyết tương tự như chủ nghĩa kinh nghiệm logic; thuyết “nhất
nguyên luận trung lập”,…). Từ những năm 50, cùng với sự tan rã của chủ nghĩa
kinh nghiệm logic, là sự nổi lên của vật lí lượng tử - trong thế giới vi mô,
các định luật, công thức vật lí chỉ mang “tính ước đoán”; “dùng để thao tác”;
đã khiến cho các triết gia và các nhà khoa học nghi ngờ chủ nghĩa duy thực,
quay về với chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Trong bối cảnh đó, Popper kiên quyết
đứng trên quan điểm thực tại luận để xác lập kiến giải cho những biến đổi mới
của triết học khoa học.
Trước nhất, ông khẳng định khoa học, tư duy lí tính đều xuất phát từ
“lương năng thông thường” (common sense), mặc cho lương năng thông thường đó có
thể sai lầm, thì sau một quá trình phê phám kiểm nghiệm nghiêm khắc, ta có thể
nhận ra các sai lầm rồi rút ra các bài học. Vì thế ông khẳng định “luận điểm đầu tiên của tôi là: xuất phát
điểm của chúng ta là lương năng thông thường [về thực tại], còn thứ công cụ vĩ
đại nhờ đó ta tiến bộ là phép phê phán”. Cũng từ đó mà thực tại là cơ sở
phương pháp luận cho khoa học.
Tiếp đó, Popper tiến hành phê phán các chủ nghĩa phủ định thực tại như
“quyết định luận”, “chủ nghĩa duy tâm chủ quan”, “chủ nghĩa phi lí tính”, “chủ
nghĩa hư vô”. Ông chỉ ra rằng những lí luận của các chủ nghĩa trên không thể
kiểm sai bằng thực nghiệm, nó luôn có thể áp dụng vào mọi chỗ (ví dụ như “tôi
đang không đọc những dòng chữ này, tôi chỉ đang mơ về việc đọc, về cái máy tính
có chữ mà thôi), vì thế nó không thể đứng vững. Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng
những thuyết trên sẽ chẳng dẫn đến đâu, chỉ đem đến sự phí hoài về tâm trí mà
thôi “trong lúc giới tự nhiên đang bị tàn
phá – mà đâu chỉ giới tự nhiên – thì các nhà triết học thì đôi lúc tỏ ra thông
tuệ, đôi lúc không, cứ quanh quẩn với câu hỏi thế giới này thực ra có tồn tại
hay không. Họ không sao thoát khỏi lối suy nghĩ kinh viện, không sao thoát được
những câu đố về chữ nghĩa…”
Rốt cuộc, Popper đưa ra một cái nhìn tổng thể về thế giới; ông chia thành
thế giới 1, thế giới 2, thế giới 3. Trong đó, “Thế giới 1” gồm những sự vật
hiện tượng thuộc về vật lí – tồn tại khách quan không phụ thuộc vào ý chí của
con người. “Thế giới 2” là thế giới của trạng thái tinh thần chủ quan, như
trạng thái tâm lí, ý thức, cảm tính. “Thế giới 3” là thế giới tư tưởng, đặc
biệt là tư tưởng khoa học, ông gọi thế giới này là thế giới “tri thức khách
quan”. Ba thế giới này có tác động liên tục đến nhau theo tuần tự thế giới 1
đến thế giới 2, thế giới 2 đến thế giới 3, và thế giới 3 và thế giới 1 có tác
động thông qua trung gian là thế giới 2.
Việc phân chia này đem giải quyết được nhiều vấn đề triết học:
-
Lấy thực tại làm cơ sở (thế giới 1)
-
Giải quyết được những tranh cãi về duy tâm và duy vật
(đồng thời công nhận cả thế giới 2 và thế giới 3)
-
Không phủ định hoàn toàn siêu hình học, tôn giáo. Chỉ
ra mối quan hệ giữa siêu hình học và khoa học
-
Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc luận
giải thế giới
-
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của tri thức trong việc
xây dựng thế giới
Tư tưởng của Karl Popper ngày nay cũng đã bị vượt qua bởi những lí thuyết
mới (đúng như những gì lí thuyết của ông nêu ra) nhưng những ý tưởng và cảm
hứng từ ông vẫn còn nguyên vẹn trong nền triết học thế giới. Đọc “Tri thức
khách quan” dễ dàng giúp ta cảm nhận sự sôi động của triết học phương Tây suốt
thế kỉ XX mà Karl Popper đã đứng giữa bao dòng triết học, tận tình đưa ta những
kiến giải đầy sáng suốt và quý giá.
[1]
Tham khảo các bài “Tri thức phỏng định: Cách giải quyết vấn đề quy nạp của tôi”
(tr 21) và “Hai vế của lương năng thông
thường” (tr 61) trong sách
[2]
Tham khảo các bài “Tri thức luận không bao gồm chủ thể đang nhận thức” (tr
155), “Mục đích của khoa học” (tr 263), “Sự tiến hóa và Cây tri thức” (tr 343)
trong sách
[3]
Tham khảo bài “Những bình luận triết học về Lí thuyết Chân lí của Tarski” (tr
419) trong sách
[4] Tham
khảo bài “Hai vế của lương năng thông thường” (tr 61) “Tri thức luận không bao
gồm chủ thể nhận thức” (tr 155) trong sách
Khi mua 1 cuốn sách thuộc dạng tư tưởng, hay lý thuyết thì cái mình quan tâm nhất là định vị nó trong xu hướng phát triển lý thuyết/tư tưởng hiện nay. Vì thế nếu xem các bài giới thiệu mình hay tìm kiếm thông tin đánh giá liên quan kiểu như vậy. Còn nội dung cuốn sách thì thường tự đọc chán ra rồi mới quay lại xem bài giới thiệu :P
Trả lờiXóaBài này thiếu mất cái sự định vị (dù tương đối) (^^^)