Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Diễn từ trong lễ tốt nghiệp (của một cử nhân vô danh)

0.
Chào các bạn,
Chắc giờ các bạn đang ngồi trong một khán phòng lớn, chờ tấm bằng đại học – một mảnh giấy chứng nhận kết quả học tập trong bốn năm, bốn năm tươi đẹp nhất của thời tuổi trẻ - với lòng tự hào, hân hoan hoặc thanh thản. Nhưng cũng chắc là, hầu hết các bạn đang ngáp dài vì phải nghe một bài “diễn văn” hấp dẫn như … nghị quyết – được đọc theo phong cách tập đánh vần. Điều này thật là tệ, vì trong buổi lễ tốt nghiệp, với tôi, điều quan trọng nhất không phải chụp ảnh hay có một kỉ niệm gì đó, mà tôi cần một lời nói khôn ngoan và trách nhiệm của bạn tôi hoặc một bậc tiền bối về tương lai của tôi; đó sẽ là một hành trang tinh thần cuối cùng mà bạn nhận được từ Đại học, khi bạn chuẩn bị bị vứt ra ngoài cuộc sống rối ren.
Thế nên, nếu bạn đã ngán đến tận cổ sự sơ mòn và thói dối trá của những lời vô hồn, nếu bạn cần một tiếng nói được cất lên từ lương tri và trí tuệ của một tân cử nhân trung thực và đồng cảm; thì mời bạn đọc những dòng tiếp sau đây (như tôi thì chả ai mời lên phát biểu đâu :D)
1.
Hôm nay, tôi sẽ nói với các bạn rằng khi các bạn cầm tấm bằng bước ra khỏi cổng trường đại học, thì xã hội (mà rộng hơn là cuộc sống) cần gì ở bạn, và ngược lại, bạn cần gì ở xã hội. Để trả lời câu hỏi này, dĩ nhiên bạn phải tự lăn lộn, tự trải nghiệm (việc này thường khó hơn việc học nhiều); nhưng bây giờ ta cứ thử thảo luận nghi đề này, coi như buổi thảo luận (ít nhiều lí thuyết) cuối cùng ở trường Đại học.
Cái mà xã hội thật sự cần ở một tân cử nhân có phải là một trí não đầy rẫy các lí thuyết, niềm tự hào bằng cấp hoặc lối làm việc nguyên tắc như trong sách; và cái một tân cử nhân thật sự cần ở xã hội có phải đồng lương hậu hĩnh, căn nhà ổn định, hoặc cơ hội thăng tiến hay không.
Câu trả lời của tôi là Không, chính xác là, KHÔNG CHỈ thế.
2.
Cách đây 250 năm, một tác phẩm sáng chói trong lịch sử loài người đã ra đời. Đó là “Bàn về khế ước xã hội” (Du Contrat social) của J.J.Rousseau. Câu làm tôi nhớ tới tác phẩm này nhất là “Vấn đề cơ bản của khế ước xã hội là “mỗi thành viên trong khi khép mình vào tập thể, vận dụng sức mạnh tập thể, vẫn được tự do đầy đủ như trước, vẫn chỉ tuân theo bản thân mình” “.
Và câu trả lời của tôi cho câu hỏi được đặt ra cũng gần tương tự như câu trích trên: Xã hội cần bạn (tân cử nhân) khép mình vào tập thể, nhưng bạn cần ở xã hội sự tự do (cá nhân) đầy đủ; mối quan hệ này được đảm bảo bởi một khế ước xã hội.
Chúng ta hãy cùng bàn đến rốt ráo mấy từ được in nghiêng trên (những từ này tôi chỉ mượn lại của Rousseau, nhưng tôi không dùng với nghĩa mà ông đã dùng), vì mới nghe qua, bạn sẽ thấy câu trên thật viển vông; thường thì khép mình và tự do luôn trong tư thế đối nghịch nhau chứ không phải đồng hiện, và khế ước xã hội là cái gì đó rất mù mờ.
3.
Mới dùng chữ khép mình, chắc trong đầu không ít bạn sẽ hiện lên cơn ác mộng thường thấy trong trường Đại học (ở Việt Nam). Đó là những buổi họp, những lần triệu tập vô nghĩa lí, luôn đi kèm những câu doạ nạt kiểu “Có điểm danh”, “Không đi sẽ trừ điểm hạnh kiểm”,… Xin bạn đừng nhầm việc khép mình với phục tùng – hay là từ bỏ tự do. Sự phục tùng được sinh ra khi mà “sức mạnh đã thành ra hợp pháp” tức là sự cưỡng ép (theo kiểu chỉ thị) được hiện thực hoá thành những thứ hợp pháp như “điểm hạnh kiểm” hay “lần điểm danh”. Thật đáng xấu hổ, khi Đại học - một cộng đồng của thầy và trò -, người ta lại không vận hành nó theo nguyên tắc lí tính; mà theo phong cách của kẻ mạnh thích đè nén kẻ yếu một cách không khoan dung.
Quay về với sự phục tùng; bạn hãy tưởng tượng công việc mà bạn sắp làm, đó là một cỗ máy, bạn là một cái đinh vít nhỏ, đồng nghiệp (cao tuổi) của bạn là cái đinh vít to, sếp của bạn là đầu máy lớn, vân vân, mỗi người là một bộ phận của một tổng thể. Cỗ máy không thể vận hành tốt đẹp nếu đinh vít không được lắp đúng chỗ, đầu máy không chạy hết công suất. Tự biết mình là cái đinh vít, tự biết mình cần ở vị trí nào, tự biết mình đã được vặn chặt chưa,… đó là những ẩn dụ cho việc khép mình. Việc khép mình ấy đem lại lợi ích chung to lớn cho cả tập thể lẫn cá nhân, cho sự vận hành trơn chu và hoàn chỉnh của công việc. Nhưng làm sao để tự biết và việc tự biết này thì liên quan gì đến Đại học? Đáp án ở đây là lí tính – trí tuệ, cái mà bạn phải trui rèn trong suốt bốn năm Đại học. Có kiến thức, bạn mới nhận ra mình xứng đáng ở vị trí nào, mình thực hiện công việc ở vị trí ấy có tốt không, mình trong mối quan hệ với những bộ phận khác thế nào,… từ đó, bạn được quyền lựa chọn có khép mình hay không. Đó chính là lí do việc khép mình và tự do cùng tồn tại trong câu trả lời của tôi
4.
Tự do, tôi luôn ví đó là một cô gái đẹp quyến rũ và đầy bí ẩn; và mấy anh chàng (nhất là sinh viên ^^) thì chả bao giờ với tới cô ta được, nên bàn đến cô ta thật là hão huyền. Nhưng giờ ta nhìn ngắm cô ta chút cũng không sao.
Chúng ta luôn đòi hỏi ở xã hội một sự tự do, vì chỉ khi tự do, những gì bạn có, những gì bạn tiếp thu từ trường học; mới được phát huy tối đa sức mạnh của nó. Có nhiều kiểu tự do, và nhiệm vụ Đại học phải làm là tạo ra những con người tự do trong suy nghĩ, và sau đấy, khi ra ngoài xã hội, anh ta mới có thể tự do hành động được. Những người rời khỏi cổng trường Đại học, thì phải có sứ mạng lan toả sự tự do trong suy nghĩ ấy (sự tự do lí tính); phải luôn dẫn đầu trong việc đấu tranh cho tự do, xây dựng một xã hội mà nguyên tắc lí tính luôn là người dẫn đường đáng tin cậy. Chỉ ở một xã hội như thế, thì sự tự do cá nhân mới được tôn trọng đầy đủ và toàn vẹn. Bạn thấy đấy, khi bạn đòi hỏi từ xã hội sự tự do, thì chính bạn phải một nhân tố tích cực đem lại điều đó. Bạn không thể ngồi một chỗ, hét lên “Tự do đâu, đem ngay ra đây cho tôi” mà bạn phải đấu tranh để có nó. Bằng kiến thức của mình, bạn thực hiện cuộc đấu tranh ấy vừa như một quyền lợi vừa như một nghĩa vụ.
5.
Đến đây, chắc bạn đã có câu trả lời cho khế ước xã hội mà tôi muốn đề cập đến. Khế ước xã hội có thể bao gồm rất nhiều thứ, nhưng với tôi, với các bạn, những tân cử nhân, thì nó trước trước hết phải được xây dựng trên cơ sở của tri thức – kiến thức – trí tuệ, những thứ gắn liền với mục đích mà bạn bước vào Đại học, và giờ đây, khi bạn rời đi, nó lại càng cần được thắp lên ngời sáng hơn bao giờ hết
Xin cám ơn đã cùng tôi suốt bốn năm, các bạn của tôi
Nguyễn Minh
(sẽ còn sửa một chút)

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Tư tưởng là gì (1)

0.

Vì một vài lí do, gần đây, tôi thấy phải trả lời rốt ráo câu hỏi “Tư tưởng là gì”. Việc đó thật là khó, nhất là người còn có chưa có nhiều kinh nghiệm như tôi (tại sao tôi lại dùng từ “kinh nghiệm”, ta sẽ thấy ở sau). Vì muốn trả lời được, tôi phải trả lời một loạt câu hỏi nhỏ (nhưng không hề dễ hơn) như “Tư tưởng hình thành từ đâu”, “Tư tưởng là trừu tượng hay cụ thể”, “Có cái gì gọi là tư tưởng vĩnh cửu hay không”… Vậy nên, tôi viết bài này chỉ để trình bày một cách sơ lược (và chưa chính xác lắm) về “tư tưởng”, theo quan niệm của tôi.

Thật dễ để nói rằng, tư tưởng là cái gì đó thuộc về “tâm trí”, hay dùng từ dễ hiểu hơn là “suy nghĩ”. Suy nghĩ là điều ta làm hàng ngày; nhưng điều kiện gì để một suy nghĩ trở thành, hay thuộc về tư tưởng. Đó sẽ là cách mà tôi trả lời câu hỏi “Tư tưởng là gì”

1.

Có người cho rằng, tư tưởng là một hệ thống lí thuyết kinh viện, tức là các suy nghĩ đã được đúc rút lại thành một hệ thống - cái chứa một loạt các định nghĩa, mệnh đề, … theo một trình tự nhất định. Nhất là, nó thường được truyền bá hoặc lưu giữ lại dưới dạng sách vở, lời trích dẫn,…. Cụ thể là, khi muốn biết “tư tưởng của Marx” là gì, thì việc đầu tiên của ta là đọc một loạt sách của Marx, sách nói về Marx, rồi sau đó ta sẽ rút ra được một vài khái niệm hoặc câu nói tiêu biểu nào đó. Thế là, ta nắm sơ sơ được “tư tưởng Marx” là gì.

Ta sẽ phản bác lại quan điểm này như sau:

Ta không thể chỉ vào một người bất kì rồi nói “Anh chẳng có tư tưởng gì cả”. Có thể những suy nghĩ trong đầu anh ta không thành một hệ thống kinh viện nào, hoặc nó gồm nhiều phần rời rạc của các lí thuyết kinh viện khác nhau; nhưng không vì thế mà ta được quyền nói rằng anh ta không có tư tưởng gì cả. Ví dụ như, khi phải tiếp nhận một loạt vấn đề A B C D E nào đó, anh ta chỉ kiên quyết tiếp nhận A B, mà nhất quyết không chịu nhìn nhận C D, và bỏ qua E; thì ta nói rằng anh ta có “tư tưởng bảo thủ”. Rõ ràng là, tư tưởng đã được chuyển hoá vào trong hành động (*) mà không hề tồn tại dưới dạng kinh viện nữa.

Như vậy, ta có thể nói rằng, tư tưởng không chỉ tồn tại dưới dạng hệ thống lí thuyết kinh viện, hệ thống ấy chỉ giúp ta dễ dàng tiếp cận tư tưởng mà thôi.

2

Hơi khác với quan điểm ở (1) một chút, người ta cho rằng tư tưởng là một hệ thống các suy nghĩ đặc trưng cho một nhóm xã hội có uy tín nhất định. Ví dụ như khi nói đến “tư tưởng thời Trung cổ” thì ta nghĩ ngay đến suy nghĩ của giáo hội Thiên chúa (vì giáo hội có quyền uy nhất thời đó), khi nói đến “tư tưởng chính trị” thì ta cũng phải chỉ ra được đó tư tưởng chính trị của những người Cộng hoà hay của người Dân chủ. Quan điểm này đúng (ở mức độ nào đó) nhưng nó vấp phải hai trở ngại là

(i) Tư tưởng rất có thể bị nhầm sang “giáo điều” – một thứ suy nghĩ được hình thành nên do một nhóm đặc quyền đặc lợi rao giảng, và dùng sức mạnh ép các nhóm khác phải theo.

(ii) Tư tưởng không phải là cái được đóng khung trong một nhóm người nào đó. Nó có thể được sinh ra, hoặc trở thành đặc trưng suy nghĩ của chỉ một nhóm mà thôi, nhưng nó luôn phải được trao đổi hoặc lây lan giữa cách nhóm - cả dưới dạng lĩnh hội lẫn phê phán (tất nhiên đôi khi tư tưởng vẫn bị “bóp chết”, nhưng đó chỉ là tạm thời). Quá trình ấy quyết định cái gọi là “tư tưởng của nhân loại”.

Qua đây, ta thấy rằng, tư tưởng là một cái gì đó không có giới hạn (hiểu theo nghĩa rộng nhất của “giới hạn”), và tư tưởng luôn ở trong một quá trình “động” liên tục của các suy nghĩ.

3.

Từ luận điểm (*) ở (1) người ta cho rằng, tư tưởng là một dạng suy nghĩ có thể thúc đẩy ta thực hiện (một loạt) các hành động nào đó. Ví dụ như một tay đánh bom liều chết, thì người ta nói là do “tư tưởng Hồi giáo” thôi thúc anh ta làm thế. Nhưng, ví dụ như, ta không chạm tay vào lửa, thì việc đó là do suy nghĩ “chạm tay vào lửa là bỏng” khiến ta làm thế. Nhưng cái suy nghĩ ấy không phải là “tư tưởng”. Đó chưa kể, khi ta hành động gì, thì ta cũng bị thôi thúc bởi cả cảm xúc, dục vọng, …., nữa. Vậy, thật khó mà tách biệt ra được đâu là tư tưởng, đâu không là “tư tưởng” trong những nhân tố thôi thúc ta làm một việc nào đó.

Quay lại với tay đánh bom liều chết, ta hay kết luận là, hắn bị một“tư tưởng tiêu cực” dẫn đắt đến hành động sai trái; vì thế ta phải điều khiển hành động của ta, để nó không theo cái “tư tưởng tiêu cực” kia. Trong khi đó, trong đầu tên khủng bộ lại nghĩ: hắn đang được một tư tưởng siêu việt dẫn đường, và cái việc hắn làm thật đúng đắn, vì thế hẳn phải đánh bom. Như vậy ở đây xuất hiện hai tư tưởng khác nhau (về cùng một hành động đành bom). Vậy thì tư tưởng là cái suy nghĩ thôi thúc ta phải làm gì, chứ không là ta làm gì

(Còn tiếp, nhưng giờ đi tắm đã :D)